Người để lại di chúc sau khi chết, di chúc có hiệu lực, những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
1. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế theo di chúc:
Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế theo di chúc gồm có:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế hoặc giấy tờ xác nhận người để lại di sản đã chết của cơ quan có thẩm quyền;
– Di chúc hợp pháp;
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;
– Chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu của người được hưởng di sản theo di chúc.
2. Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc
Bước 1: Công bố nội dung di chúc cho gia đình
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di chúc chết. Nội dung di chúc như thế nào có thể có người không biết, thậm chí không biết sự tồn tại của di chúc. Do đó nguời quản lý di chúc nên công bố nội dung di chúc để mọi người được biết, đặc biệt là những người được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật. Đây vừa là việc nên làm, vừa phòng tránh những tranh chấp phát sinh khi phân chia thừa kế.
Bước 2: Tổ chức họp gia đình về di sản thừa kế
Gia đình họp bàn có vừa nhất trí lại việc phân chia di sản bởi có những người được hưởng di sản nhưng từ chối nhận di sản, hoặc mọi người đồng thuận thay đổi lại nội dung phân chia di sản,… Ngoài ra những vấn đề quan trọng như cử người quản lý di sản hoặc các nghĩa vụ phải dùng di sản để thực hiện do người để lại di sản thừa kế trước khi chết vẫn còn đang phải thực hiện (Ví dụ: Người đã mất đang vay nợ ngân hàng).
Bước 3: Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc
Gia đình thực hiện việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại VPCC hoặc UBND xã để thực hiện thủ tục khai nhận di sản.
Cơ quan công chứng sẽ kiểm tra các hồ sơ và nếu các hồ sơ đã đầy đủ và phù hợp với quy định pháp luật, văn phòng công chứng sẽ niêm yết hồ sơ thỏa thuận phân chia di sản tại trụ sở UBND cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản và nơi có bất động sản do người chết để lại. Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có ai khiếu nại, tố cáo gì liên quan đến việc nhận tài sản thừa kế này, văn phòng công chứng sẽ công chứng thỏa thuận phân chia tài sản của những người thừa kế.
Bước 4: Đăng ký chuyển quyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản
Di sản là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng hoặc quyển sở hữu (Ví dụ: ô tô, Quyền sử dụng đất, …) dùng bản công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc để thực hiện thủ tục sang tên.
3. Thời hạn khai nhận di sản thừa kế là bao lâu?
Kể từ thời điểm người để lại di sản chết hoặc quyết định tuyên bố người đã chết của Tòa án có hiệu lực thì những người được hưởng di sản thừa kế được quyền khai nhận tài sản thừa kế trong thời hạn sau:
- Đối với tài sản là động sản: là 10 năm.
- Đối với tài sản là bất động sản: là 30 năm.
Hết thời hạn nói trên nếu người được hưởng thừa kế không thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế, thì di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của người quản lý di sản (Điều 623 Bộ luật dân sự).
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư tư vấn Công ty Luật TNHH Vinlawyer về “Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc”. Công ty Luật TNHH Vinlawyer rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật một cách tốt nhất.