Trong thị trường kinh doanh ngày nay, bên cạnh các hình thức bảo đảm khoản vay thông thường là thế chấp hoặc cầm cố tài sản hữu hình của công ty, các doanh nghiệp đang có xu hướng sử dụng tài sản vô hình là quyền đòi nợ như một tài sản bảo đảm. Quyền đòi nợ có ưu thế khi giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng các khoản phải thu của doanh nghiệp làm tài sản bảo đảm thay vì phải thế chấp tài sản khác của công ty. Vậy dưới góc độ pháp luật Việt Nam, quyền đòi nợ có thể thế chấp không? Các quy trình để thế chấp quyền đòi nợ là gì? Trong bài viết dưới đây Luật sư tư vấn chúng tôi sẽ giải đáp về thắc mắc trên.
Quyền đòi nợ là gì?
Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể khái niệm “quyền đòi nợ”. Dựa vào tinh thần của Bộ luật dân sự và các văn bản luật liên quan, quyền đòi nợ là quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một công việc, cụ thể là thanh toán một khoản tiền cho bên có quyền tại một thời điểm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Quyền đòi nợ được xem là một dạng quyền tài sản, được công nhận là một loại tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam.
Quyền đòi nợ có thể thế chấp được không?
Theo Điều 14 Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, doanh nghiệp có thể thế chấp quyền đòi nợ của mình. Việc thế chấp bằng quyền đòi nợ không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng người này phải được bên nhận thế chấp thông báo để biết trước khi thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Về phạm vi của việc thế chấp quyền đòi nợ, bên thế chấp có thể thế chấp một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ. Ngoài ta, bên thế chấp có thể thế chấp quyền đòi nợ đang phát sinh trong hiện tại hoặc quyền đòi nợ phát sinh trong tương lai.
Khi thế chấp quyền đòi nợ, sẽ tồn tại hai hợp đồng cùng lúc là hợp đồng phát sinh nghĩa vụ nợ và hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ, vì vậy sẽ có trường hợp hạn thanh toán của hợp đồng phát sinh nghĩa vụ không trùng với thời hạn xử lý tài sản bảo đảm. Căn cứ theo Điều 7.2.a, Điều 7.2.b Thông tư 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN:
- Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Ngân hàng phong tỏa tài khoản này và chỉ được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp.
- Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra sau thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Bên nhận thế chấp không được yêu cầu bên thế chấp thanh toán khi nghĩa vụ trả nợ chưa đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Thủ tục thế chấp quyền đòi nợ
Căn cứ theo Điều 6.7.c Thông tư 08/2018/TT-BTP, giao dịch thế chấp quyền đòi nợ phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Người yêu cầu sẽ thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến hoặc nộp bản giấy trực tiếp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền (Điều 13.1 Nghị định 99/2022/NĐ-CP). Trong trường hợp đăng ký trực tiếp giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký, người yêu cầu cần thực hiện theo yêu cầu tại Mẫu 1 Thông tư 08/2018/TT-BTP và chuẩn bị hợp đồng phát sinh nghĩa vụ trả nợ.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư Bình Dương – Công ty Luật chúng tôi về “Thế chấp quyền đòi nợ”. Rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật chi tiết nhất.