Quyền tác giả là quyền của tác giả – người sáng tạo ra tác phẩm đối với chính tác phẩm của mình. Ngoài quyền tác giả thì pháp luật về sở hữu trí tuệ còn quy định thêm quyền liên quan đến quyền tác giả. Vậy hai khái niệm này có gì giống và khác nhau theo quy định của luật sở hữu trí tuệ? Hãy cùng theo dõi bài viết so sánh dưới đây của Luật sư tư vấn chúng tôi để hiểu rõ hơn về hai quy định này theo cách hiểu của pháp luật hiện hành.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền tác giả được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình.
Theo khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
1. Điểm giống nhau giữa quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả
Tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) thì:
“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.
Trong khi đó khái niệm về quyền liên quan đến tác giả được quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này:
“Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”.
Căn cứ vào các quy định trên, quyền tác giả và quyền liên quan có những điểm giống nhau sau đây:
– Quyền tác giả và quyền liên quan cùng bảo vệ thành quả sáng tạo, một số đối tượng không được bảo hộ nếu có nội dung vi phạm pháp luật, đạo đức.
– Một tác phẩm sẽ tự động được bảo hộ ngay khi ra đời mà không cần đăng ký, nộp lưu, nộp phí hay thực hiện bất cứ một thủ tục hành chính nào khác.
Nhưng chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan vẫn có thể thực hiện thủ tục đăng ký để đảm bảo quyền lợi của chủ thể khi có tranh chấp xảy ra.
Đối với những quyền tài sản thuộc quyền tác giả và quyền liên quan, đây là quyền chỉ được bảo hộ có thời hạn. Khi hết thời hạn bảo hộ, chúng sẽ không được bảo hộ nữa và được coi là thuộc về sở hữu công cộng.
2. Điểm khác nhau giữa quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả
Tiêu chí | Quyền tác giả | Quyền liên quan |
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ | Từ khi tác phẩm được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã được công bố hay chưa, đã được đăng ký hay chưa | Từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình/thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả. |
Chủ thể | – Người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm (tác giả); – Tác giả của sản phẩm phái sinh; – Chủ sở hữu quyền tác giả. | – Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (người biểu diễn). – Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn. – Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc âm thanh, hình ảnh khác (nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình). – Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (tổ chức phát sóng). |
Đối tượng | – Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học: là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. – Tác phẩm phái sinh: là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang nôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. | – Cuộc biểu diễn; – Bản ghi âm, ghi hình; – Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. |
Nội dung | Bao gồm quyền nhân thân và quyền tác giả: – Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;… – Quyền tài sản: Làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh,… | Chủ yếu là quyền tài sản chỉ có người biểu diễn có quyền nhân thân: – Quyền nhân thân của người biểu diễn: Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất ký hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn. |
Đặc điểm | – Bảo hộ hình thức sáng tạo; – Bảo hộ theo cơ chế tự động (không cần làm thủ tục đăng ký như các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác); – Bảo hộ phải mang tính nguyên gốc: tức tụ sáng tạo ra chứ không phải tạo nên do sao chép,… | – Đây là quyền phái sinh vì: quyền liên quan dựa trên nguyên gốc đó là quyền tác giả (tạo ra dựa trên tác phẩm đã tồn tại trước đó). – Bảo hộ mang tính nguyên gốc: tức tự sáng tạo ra chứ không phải tạo nên do sao chép … |
Thời hạn bảo hộ | – Các quyền nhân thân: Bảo hộ vô thời hạn trừ quyền công bố tác phẩm; – Các quyền tài sản có thời hạn bảo hộ như sau: + Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh: 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trường hợp tác phẩm chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình: 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; + Tác phẩm còn lại: Có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. | – Quyền của người biểu diễn: 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình. – Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình: 50 năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố. – Quyền của tổ chức phát sóng: 50 năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện. |
Như vậy, căn cứ bảng trên, ta có thể thấy sự khác biệt giữa Quyền tác giả và Quyền liên quan đến tác giả.
Trên đây là toàn bộ nội dung so sánh của Luật sư Bình Dương – Công ty Luật chúng tôi về “So sánh quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả”. Rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật chi tiết nhất.