Nguyễn Kiên Cường cựu chuyên viên Phòng Chính sách lao động, Sở lao động thương binh và xã hội Bình Dương khai nhận hơn 8 tỷ và biếu cấp trên 5 lần và cùng Luật sư tư vấn tìm hiểu về tội nhận hối lộ.
Hôm nay ngày 10/10, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cấp phép cho lao động người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép, liên quan đến hàng loạt cựu lãnh đạo Sở, Ban, ngành ở Bình Dương.
Trong vụ án này, Viện KSND đã truy tố 17 bị can với các tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép và đưa nhận hối lộ.
Trong cáo trạng, bị cáo Nguyễn Kiên Cường (cựu chuyên viên Phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TB&XH Bình Dương) bị cáo buộc nhận 8,3 tỷ đồng để giải quyết hồ sơ cấp phép cho lao động người nước ngoài ở lại Việt Nam dù biết các trường hợp này không đúng quy định.
Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2022, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thẩm định hồ sơ, đề xuất lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, bị cáo Nguyễn Kiên Cường đã nhận hối lộ hơn 8,3 tỷ đồng của 3 bị cáo khác (giám đốc các doanh nghiệp) để bỏ qua vi phạm của hồ sơ, tiến hành thủ tục thụ lý, thẩm định hồ sơ hợp lệ, đề xuất và được lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương duyệt ký 2.300 giấy phép.
Sau đó Cường đã chi cho Ngô Nguyễn Thái Hằng, cựu Phó phòng Chính sách lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH (đã qua đời vào tháng 5/2022 trong lúc cơ quan điều tra thụ lý vụ án) số tiền 860 triệu đồng, còn Cường thu lợi hơn 7,5 tỷ đồng.
Ngày 10/10, tình tiết đáng chú ý trong phiên tòa là lời khai mâu thuẫn giữa cựu chuyên viên và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương.
Tại tòa, Cường không thừa nhận có thỏa thuận với 3 bị cao nêu trên về số tiền “bôi trơn”, việc đưa tiền là do 3 bị cáo tự đề xuất và đưa cho Cường để giải quyết hồ sơ, trong khi các bị cáo đều khai với HĐXX là Cường có thỏa thuận về số tiền này.
Ngoài ra, Cường cho rằng số tiền một số bị cáo chuyển khoản cho mình không phải tất cả là tiền “bôi trơn” mà là để Cường mượn.
Khi được hỏi về tính pháp lý của hồ sơ, Cường khai không hề biết những hồ sơ này là giả.
Về số tiền đã nhận của các bị cáo khác, Cường khai đã chi 3/4 số tiền cho Ngô Nguyễn Thái Hằng để người này chi tiền tiếp khách do Hằng yêu cầu.
Bên cạnh đó, cựu chuyên viên này còn khai đã 5 lần biếu tiền cho bị cáo Lê Minh Quốc Cường (cựu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương) vào các dịp lễ tết để được ký duyệt giấy phép. Tuy nhiên, bị cáo Lê Minh Quốc Cường lại khai không hề nhận tiền từ phía bị cáo Nguyễn Kiên Cường.
Chúng tôi sẻ cập nhật tiếp kết quả trong những ngày xét xử sắp tới.
Vậy tội nhận hối lộ bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội nhận hối lộ như sau:
Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Khung hình phạt cao nhất cho tội nhận hối lộ là gì?
Theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội nhận hối lộ như sau:
Tội nhận hối lộ
…
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Tội nhận hối lộ được xác định là loại tội phạm nào?
Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Trên đây là bài viết được tổng hợp tin tức từ Luật sư Bình Dương