Thực tế, không phải ai cũng biết hoặc kịp lập di chúc để định đoạt tài sản của mình trước khi chết. Vậy nếu một người chết mà không có di chúc, thì pháp luật quy định như thế nào về việc phân chia di sản thừa kế? Hôm nay, hãy cùng Luật sư tư vấn Công ty Luật TNHH Vinlawyer tìm hiểu các quy định liên quan đến vấn đề này nhé!
1. Người có quyền hưởng di sản thừa kế khi người chết không để lại di chúc
Trường hợp một người khi chết không để lại di chúc thì áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật để phân chia tài sản của người đó. Tài sản của người chết để lại cho những người còn sống được gọi là di sản, bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Những người thừa kế theo pháp luật được xác định dựa trên 3 mối quan hệ với người chết là quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng. Do phạm vi những người thừa kế rất rộng nên pháp luật quy định thành nhiều hàng thừa kế, quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong đó:
- Hàng thừa kế thứ nhất là những người có quan hệ gần gũi nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Di sản thừa kế chỉ được chia cho một hàng thừa kế và tuân theo trình tự ưu tiên là 1, 2, 3, nghĩa là những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản). Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
2. Xác định di sản thừa kế
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
3. Nguyên tắc phân chia thừa kế khi người chết không để lại di chúc
Sau khi đã xác định được di sản thừa kế thì có thể tiến hành phân chia di sản thừa kế theo nguyên tắc “người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”, tức là di sản sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế.
Lưu ý: Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Trường hợp không có người thừa kế hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Bên cạnh việc được hưởng quyền lợi, người thừa kế còn phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thực tế có những trường hợp người chết để lại nhiều nghĩa vụ mà di sản thừa kế không đủ để thanh toán nên Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thứ tự ưu tiên thanh toán như sau: chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động; tiền bồi thường thiệt hại; thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước; tiền phạt; các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác; chi phí cho việc bảo quản di sản; các chi phí khác.
4. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc
Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc chia tài sản bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh người để lại di sản chết;
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;
- Giấy tờ về quan hệ giữa người thừa kế và người để lại di sản như: sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, kết quả xét nghiệm AND, bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc công nhận quan hệ nhân thân giữa người chết và người được thừa kế,…
Người được thừa hưởng di chúc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và đến văn phòng công chứng thực hiện thủ tục khai nhận di sản theo quy định.
5. Những rắc rối thường gặp khi người chết không để lại di chúc
Thứ nhất, việc người chết không để lại di chúc có thể gây ra những mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản đối với các thành viên trong gia đình. Có thể có thành viên là con đã được cha mẹ tặng cho tài sản khi cha mẹ còn sống, nay cha mẹ chết đi nếu không có di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Như vậy mỗi người con sẽ được một phần di sản bằng nhau, người con đã được tặng cho tài sản trước đó sẽ được hưởng nhiều tài sản của cha mẹ hơn dẫn đến những người con còn lại cảm thấy thiệt thòi, gây mất tình cảm trong gia đình.
Thứ hai, người chết không lập di chúc có thể dẫn đến việc di sản bị thất lạc. Ví dụ trường hợp trước khi chết, người chết có sổ tiết kiệm nhưng chỉ có một mình người chết biết về việc đó thì khi người đó chết đi, phần di sản là sổ tiết kiệm có thể bị thất thoát mà người thân không thể biết và nhận di sản thừa kế được.