Nam, nữ chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Về mặt pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Vậy khi nam, nữ sống chung không đăng ký kết hôn thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào? Trong bài viết sau, Luật sư tư vấn chúng tôi sẽ phân tích cho bạn đọc hiểu được nội dung vấn đề trên.
1. Hậu quả của việc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn
Hiện nay, có nhiều người vì nghe theo tiếng gọi của tình yêu mà tổ chức sống chung như vợ chồng. Thế nhưng họ không biết rằng việc sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến nhiều hệ quả. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, không công nhận việc nam nữ sống chung nhưng không đăng ký kết hôn. Cụ thể tại Điều 14 quy định: nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định mà chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì:
Không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng sau đó đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền và nghĩa vụ của nam, nữ sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn đối với con được thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Nam nữ sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với con cái như cha, mẹ đối với con cái.
3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng: được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Giải quyết quan hệ tài sản: phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
4. Một số câu hỏi liên quan
Câu 1: Có được đăng ký kết hôn với người khác khi đang chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn?
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Pháp luật hôn nhân và gia đình không công nhận việc sống chung mà không đăng ký kết hôn. Trên phương diện pháp luật nam, nữ sống chung không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ về vợ chồng. Nên vẫn có thể kết hôn với người khác khi sống chung như vợ chồng. Nếu đáp ứng đủ điều kiện về kết hôn theo quy định của Luật hông nhân và gia đình.
Câu 2: Như thế nào là sống chung trái pháp luật?
Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định các hành vi bị cấm là:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng:
Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi
Giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi
Cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể
Cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Như vậy nếu sống chung mà thuộc một trong các trường hợp trên sẽ trở thành sống chung trái pháp luật.