Nhiều người thắc mắc đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch có được chuyển đổi mục đích sử dụng không? Bài viết sau Luật sư tư vấn chúng tôi sẽ giải đáp cụ thể về vấn đề này.
1. Đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch là gì?
Luật Đất đai hiện hành không có quy định cụ thể về đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch là gì. Tuy nhiên, khoản 2, khỏan 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:
“2. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
- Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.”
Từ quy định nêu trên, có thể hiểu đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch là diện tích đất nông nghiệp thuộc quy hoạch, kế hoạch dùng để hiện dự án, công trình công cộng, đường giao thông hoặc vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Theo đó, đối với đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch có thể bị hạn chế các quyền sử sụng đất hoặc bị thu hồi.
2. Đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không?
Căn cứ Điều 49 Luật Đất đai 2013 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch quy định về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:
Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, đất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất: chuyển nhượng, tặng cho, chuyển mục đích sử dụng đất
Mặt khác, Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định về căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cụ thể như sau:
– Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo quy định trên, nếu việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp UBND huyện đã được phê duyệt thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
4. Trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện như thế nào?
Trình tự, thủ tục cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
– Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
– Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Về đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì hồ sơ nộp về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận (thị xã, huyện) nơi có đất.
Hồ sơ bao gồm:
– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên