Bồi thường thiệt hại về sức khỏe thực chất có ý nghĩa là đền bù một phần thiệt hại về vật chất, tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình họ khắc phục khó khăn do tai nạn gây nên, một số trường hợp có ý nghĩa chỉ là trợ cấp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân. Khi một người bị xâm phạm về sức khoẻ thì được bồi thường các khoản thiệt hại, chi phí sẽ được bồi thường như nào? Luật sư tư vấn chúng tôi sẽ tư vấn rõ về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại
- Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế;
- Tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ;
- Tiền viện phí;
- Tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ;
- Các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại
Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm hại người bị thiệt hại có thu nhập thực tế nhưng do bị thiệt hại về sức khoẻ nên họ phải chữa trị nên thu nhập bị mất hoặc giảm sút thì được bồi thường khoản thu nhập bị mất, giảm sút đó. Theo đó, trường hợp người bị thiệt hại không có thu nhập thực tế thì sẽ không được bồi thường.
Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại:
Nếu người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền công, tiền lương ổn định từ biên chế hoặc hợp đồng lao động thì sẽ căn cứ trên mức tiền công, tiền lương đó để xác định phần thu nhập thực tế.
Nếu người bị thiệt hại có thu nhập tuy nhiên mức thu nhập các tháng khác nhau thì xác định mức thu nhập theo mức bình quân 06 tháng trước khi xảy ra hành vi xâm phạm. Trường hợp thời gian làm việc chưa đủ 06 tháng thì tính bình quân của các tháng.
Nếu người bị thiệt hại có thu nhập thực tế nhưng không ổn định hoặc không xác định được thì được xác định theo (1) mức trung bình của tối thiểu 03 người lao động cùng loại trong xã, phường nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại thời điểm giải quyết vụ án (2) mức thu nhập trung bình này phải có xác nhận của UBND cấp xã.
Xác định thu nhập bị mất hoặc giảm sút:
Bước 1: Tính tổng thu nhập của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu có).
Bước 2: So sanh tổng thu nhập trong thời gian điều trị và thu nhập trước khi bị thiệt hại. Thu nhập trong thời gian điều trị không có thì bị mất thu nhập, nếu thấp hơn so với trước khi bị thiệt hại thì là giảm sút, nếu bằng hoặc cao hơn thì không có thiệt hại.
Chi phí và phần thu nhập bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị
Chi phí hợp lý bao gồm: Tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo biên lai hoặc thực tế tại địa phương trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại theo yêu cầu của cơ sở y tế điều trị.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người chăm sóc được xác định theo nguyên tắc như trên đây. Trường hợp người chăm sóc không có việc làm hoặc làm việc theo dạng tự do khi có việc khi không, không xác định được thu nhập thì được hưởng tiền công chăm sóc theo mức tiền công chăm sóc người tàn tật theo quy định tại địa phương nơi cư trú hoặc theo mức trợ cấp cho người chăm sóc thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trường hợp người bị thiệt hại không có người chăm sóc mà phải thuê người chăm sóc thì các khoản chi phí cho việc thuê người chăm sóc này được coi là thiệt hại được bồi thường.
Chi phí chăm sóc cho người bị thiệt hại sau thời gian điều trị
Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc, ví dụ: Liệt cột sống, mù mắt, liệt hai chi, tâm thần nặng hoặc các trường hợp khác theo quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81 % trở lên thì được bồi thường chi phí hợp lý cho người chăm sóc, bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc: Chi phí hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị;
Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc: Về nguyên tắc được tính là 1 người theo mức tiền công trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương.
Khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần
Trong trường hợp các bên không thể tự thoả thuận, thì số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần là không quá 50 tháng lương cơ sở. Mức bồi thường tuỳ thuộc vào các yếu tố như: mức độ ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt hàng ngày…
Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn của Luật sư Bình Dương – Công ty Luật chúng tôi về “Chi phí bồi thường thiệt hại về sức khỏe”. Rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật chi tiết nhất.